Chuyên gia: “Thị trường bất động sản phục hồi tương đối nhưng chỉ dừng ở mức cầm chừng”

Đó là nhận định của GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban tài chính Ngân sách của Quốc hội. Theo vị chuyên gia này, trạng thái của thị trường đã thay đổi, đi qua giai đoạn trầm lắng.

GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, đến thời điểm này, thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng, tuy nhiên trạng thái thị trường đã có sự thay đổi so với thời điểm cuối 2022 – đầu 2023. Giai đoạn trước, cùng với sự “đổ bể” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khủng hoảng niềm tin của khách hàng, áp lực trả nợ với các doanh nghiệp bất động sản lớn đến mức đe dọa sự tồn tại của họ trên thị trường. Cho đến nay, áp lực này đã “nhẹ gánh” hơn.

Theo ông Cường, tuy không phải đối diện với những nguy cơ suy thoái, nhưng sự phục hồi của thị trường cũng chỉ tương đối, dần ổn định nhưng chưa bứt phá, chỉ dừng ở mức cầm chừng. Do nền kinh tế vẫn chưa phục hồi, sức mua kém nên thị trường bất động sản cũng chưa thể nói là đã sôi động trở lại. Thanh khoản ở các phân khúc còn hạn chế, trong khi đó lượng cung ít dẫn đến giá bán giảm không đáng kể, những biểu hiện tái cấu trúc còn chưa thật rõ ràng.

“Thị trường bất động sản có quan hệ mật thiết với nền kinh tế, nếu kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản theo sau. Nhưng hiện nay kinh tế vẫn còn đang trầm lắng, dù đã nhiều lần giảm lãi suất và tăng cường vốn tín dụng, năng lực hấp thụ của thị trường vẫn thấp, dẫn đến nền kinh tế chưa thể bứt phá, vì vậy, chưa thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có ngay những phục hồi bứt phá”, ông Cường cho hay.

Dẫn số liệu từ đơn vị nghiên cứu, theo ông Cường, tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đơn hàng vẫn còn ít, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện, nhiều doanh nghiệp vẫn phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động để tồn tại. Trong 8 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Không nằm ngoài xu hướng chung của nền kinh tế, những con số của thị trường bất động sản cũng khá ảm đạm”, ông Cường cho hay. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023, giảm hơn 53% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể lại tăng gần 11%. Theo Hội Môi giới Bất động sản (VARS), lượng giao dịch bất động sản quý II năm 2023 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy khó khăn về thanh khoản vẫn chưa thôi đeo bám những doanh nghiệp còn sót lại trên thị trường.

Theo vị chuyên gia này, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội hiện vẫn rất thấp. Trong tương lai, nếu không có biện pháp tăng nguồn cung kịp thời thì sẽ có thể xảy ra cơn sốt không đáng có.

Có thể bạn quan tâm