VIỆT KIỀU CÓ THỂ ĐỨNG TÊN BẤT ĐỘNG SẢN KHI MUA Ở VIỆT NAM HAY KHÔNG?

 

Hiện nay khi cuộc sống ngày càng ổn định hơn, nhiều người gốc Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài có điều kiện, mong muốn được mua nhà, mua đất trở về với quê hương sống gần với người thân. Để đáp ứng nhu cầu này, pháp luật nhà nước Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho những kiều bào có thể sở hữu nhà và đất.
Trước đây, việc mua nhà ở Việt Nam đối với Việt Kiều bị hạn chế rất nhiều vì bị áp dụng chính sách tương tự như người nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, theo Điều 186 Luật đất đai 2013 quy định:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.” .
Và phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 8 Luật nhà ở 2014 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP:
– Thứ nhất: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được phép nhập cảnh vào Việt Nam và có giấy tờ theo quy định sau đây:
+ Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
+ Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư Pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định pháp luật Việt Nam.
– Thứ hai: Có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức
+ Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản
+ Mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.
+ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn đáp ứng các điều kiện trên thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng ở đây là bạn phải còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam.
Ngược lại, nếu bạn không chứng minh được hoặc không có giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam thì sẽ không được áp dụng chính sách mua nhà như đối với công dân Việt Nam. Khi đó chính sách sẽ áp dụng như người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam và bị hạn chế như thời gian sở hữu chỉ 50 năm, không được tự do mua nhà tại những khu vực mong muốn mà phải theo dự án có chỉ tiêu của người nước ngoài. Vì lẽ đó nên mới xuất hiện tình trạng nhờ người thân đứng tên để hợp pháp hóa nhưng điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro sau này.
Như vậy, để sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam bạn cần đáp ứng các điều kiện nêu trên. Hy vọng bài viết này có thể giải đáp thắc mắc của bạn.

Có thể bạn quan tâm